Ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng công nghệ Blockchain

Đăng bởi Thùy Duyên ngày 22/03/2023 17:03

iTrace247, hệ thống truy xuất nguồn gốc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam sử dụng công cụ số để xây dựng hình ảnh sản phẩm và nhận diện thương hiệu tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng công nghệ Blockchain. (Nguồn: Coin5s)

Hội thảo “Tổng kết Dự án SRECA triển khai ứng dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại dựa trên Blockchain” được tổ chức do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Đức (GIZ) ngày 21/3.

Lễ cắt băng ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại. (Nguồn: Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam)

Dự án Hỗ trợ Hợp tác kinh tế khu vực châu Á (SRECA) tại Việt Nam tập trung nâng cao năng lực cho các tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức hỗ trợ thương mại, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ Hiệp định ASEAN - Trung Quốc để xuất khẩu nông sản thành công sang thị trường Trung Quốc.

Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại”, cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm (thông tin tổng hợp, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, chế biến vận chuyển, phân phối…).

Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) có gắn tem truy xuất iTrace247 được bày bán tại Pháp. (Nguồn: Thanh Binh Jeune)

Nhãn truy xuất nguồn gốc iTrace247 của Cục Xúc tiến thương mại được triển khai thí điểm từ tháng 3/2021 cho sản phẩm rau, quả của các tỉnh Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang tại thị trường nội địa.

Trước đó, sản phẩm vải thiều Thanh Hà của Hải Dương đã được dán nhãn truy xuất nguồn gốc iTrace247 với thông tin thể hiện bằng tiếng Anh, tiếng Nhật và đã được xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản. Cục Xúc tiến Thương mại đã nâng cấp iTrace247 để sử dụng công nghệ blockchain, tăng tính minh bạch nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - Vũ Bá Phú cho biết:

“Ứng dụng nền tảng số được xác định là khâu đột phá, tạo tiền đề thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản hướng tới tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, việc truy xuất nguồn gốc (đảm bảo chất lượng, an toàn, minh bạch của sản phẩm, hàng hóa) ngày càng trở nên quan trọng và là quy định bắt buộc tại nhiều quốc gia.

Chủ đề: 

Bài liên quan